Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt sai phạm gì?

Việc trao quá nhiều giải hoa khôi, tổ chức cuộc thi khi chưa có giấy phép đã vi phạm hàng loạt quy định về thi người đẹp và đơn vị tổ chức sẽ phải đối diện với án phạt hành chính lên đến hàng chục triệu đồng.
Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt
Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt
Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải, Sở Văn hóa TPHCM hiện đã vào cuộc để tiến hành xử lý việc ban tổ chức (BTC) cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016” vì “vượt rào” khi trao danh hiệu Hoa khôi, Á khôi mà chưa hề được cấp giấy phép.
Trước đó, công ty Mỹ thuật Truyền thông Ngôi Sao Việt được sự đồng ý của UBND TP. HCM, Sở VH&TT cấp giấy phép đồng ý cho tổ chức cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016” tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM vào tối ngày 19.6, với sự tham dự của 50 thí sinh.
Tuy được cấp phép là cuộc thi duyên dáng, nhưng BTC cuộc thi đã “vượt rào” khi trao giải thưởng cho 33 danh hiệu, trong đó có Hoa khôi, Á khôi 1, Á khôi 2 (2 giải), Á khôi 3 (10 giải) và 26 giải phụ: Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi vì cộng đồng… gây bức xúc trong dư luận.
Quy định về thi hoa khôi, hoa hậu, người đẹp
Việc tổ chức cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016” gây xôn xao dư luận vừa qua có nhiều sai phạm. Đây là một cuộc thi người đẹp, hoa khôi bởi vậy việc điều chỉnh các cuộc thi này được áp dụng theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo các quy định này: Thi người đẹp là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hình thể cân đối, có khuôn mặt đẹp, hiểu biết về văn hóa, xã hội theo những tiêu chí nhất định để trao giải.
Theo quy định tại điều 6 “Những quy định cấm” trong hoạt động thi người đẹp tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP thì cấm: “Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn”
Ngoài ra, thông tư  01/2016/TT-BVHTTDL  của Bộ văn hóa thể thao và du lịch cũng quy định thông báo về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu  theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP thì : “Đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ thông báo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao nơi tổ chức hoạt động.”
Như vậy cần kiểm tra và xác định thời điểm tổ chức đơn vị này có thông báo về nội dung tới Sở văn hóa thể thao và du lịch hoặc Sở văn hóa và thể thao thành phố HCM và tỉnh Bình Thuận nơi chương trình diễn ra trước đó.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Thông tư này về nội dung, hình thức đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP thì đề án tổ chức cuộc thi phải có các vấn đề về danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng và thời gian trao giải được phê duyệt.
Về các giải thưởng, Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL  quy định về Danh hiệu chính tại cuộc thi người đẹp, người mẫu theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP thì: Danh hiệu chính là một trong ba danh hiệu trao cho thí sinh đạt Điểm cao nhất, được tính từ cao xuống thấp. Như vậy người đạt giải nhất, nhì, ba chỉ có thể là 03 người hoặc tối đa 04 người chứ hiếm có trường hợp lên đến 13 giải chính như cuộc thi vừa mới trao.
Mặt khác cần lưu ý, ngày 2.6.2016, UBND TP.HCM ra công văn đồng ý cho phép tổ chức cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt. Tới ngày 14.6, Sở VH&TT mới chính thức cấp phép. Tuy nhiên, vòng 2 cuộc thi đã được tổ chức ngày 5-6.6.2016 tại Phan Thiết như vậy cuộc thi diễn ra ngay cả trước khi được cấp phép.
Bởi vậy có hàng loạt sai phạm từ cuộc thi này khi áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan.
Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được xử lý như sau:
  1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức thi theo quy định;
3.Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu không đúng nội dung ghi trong giấy phép như sau:
c) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
5.Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, việc tổ chức khi chưa có giấy phép (mặc dù sau này đã có) cũng cần phải được xem xét theo quy định tại khoản 4 điều 14 Nghị định này bởi quy định: Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có giấy phép như sau:
c) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
An Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét